ỦY QUYỀN LY HÔN? VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG VỤ ÁN LY HÔN

         “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn” (Khoản 1, Điều 3 của Luật Hôn nhân gia đình 2014). Thế nhưng, khi những nguyên tắc cơ bản của hôn nhân không thành, mục đích hôn nhân không đạt được thì Ly hôn là giải pháp để chấm dứt quan hệ hôn nhân đó.

          Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 định nghĩa: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Tòa án là Cơ quan duy nhất có thẩm quyền ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Nếu việc yêu cầu ly hôn của cả hai bên vợ, chồng là tự nguyện và đã có thỏa thuận về tài sản, nghĩa vụ liên quan đến con cái thì Tòa án công nhận việc ly hôn bằng Quyết định. Nếu vợ, chồng có mâu thuẫn, tranh chấp hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên thì Tòa án ra phán quyết ly hôn dưới dạng Bản án.

          Phạm vi Bài viết là ủy quyền trong ly hôn nên tập trung vào vấn đề Đơn phương ly hôn hay ly hôn theo yêu cầu của một bên (theo Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014). Trong nhiều trường hợp, khi một cá nhân không thể trực tiếp thực hiện công việc nhất định thì sẽ ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện công việc đó. Vậy, khi ly hôn đương sự có được ủy quyền cho người khác thay mình tham gia tố tụng khi có tranh chấp không?

          Ủy quyền ly hôn?

          Ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên, theo đó bên nhận ủy quyền sẽ đại diện, thay mặt và nhân danh bên ủy quyền thực hiện một số công việc, trong thời hạn nhất định. Ủy quyền là một trong hai hình thức đại diện theo quy định của pháp luật được ghi nhận tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015.

          Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hôn nhân là quyền nhân thân của mỗi cá nhân và tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì: “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”.

          Do đó, trong ly hôn thì một bên vợ, chồng (hoặc cả hai) phải trực tiếp tham gia tố tụng tại Tòa án mà không thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Trừ trường hợp bị tâm thần, mắc các bệnh khác không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra thì cha, mẹ hoặc người thân thích khác được đại diện (khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014).

          Pháp luật chỉ không cho phép đại diện ủy quyền để tham gia tố tụng trong ly hôn. Tuy nhiên, không cấm đương sự ủy quyền cho người khác thay mình nộp đơn ly hôn tại Tòa án.

          Thông thường, trong vụ án ly hôn có ba yêu cầu để Tòa án giải quyết là yêu cầu được ly hôn; yêu cầu nuôi con, cấp dưỡng nuôi con và yêu cầu chia tài sản chung, nợ chung. Thực tế, có nhiều vụ án đương sự chỉ yêu cầu ly hôn, yêu cầu quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con mà không có yêu cầu về chia tài sản, nợ chung (Tài sản tự thỏa thuận hoặc khởi kiện trong vụ án khác). Vấn đề đặt ra là khi có tranh chấp về tài sản, đương sự có được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng không? Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng tranh chấp tài sản, nợ chung thì đương sự không được ủy quyền vì đây là một trong ba yêu cầu của một vụ án ly hôn mà Tòa án đang giải quyết. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm khác.

          Quan điểm người viết cho rằng trong vụ án ly hôn, đối với yêu cầu ly hôn, quyền nuôi con và yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền nhân thân không gắn liền với tài sản là không được ủy quyền (như đã phân tích). Tuy nhiên, khi có yêu cầu chia tài sản, nợ chung đây là các quyền về sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì được ủy quyền. Bởi lẽ, yêu cầu chia tài sản trong vụ án ly hôn không liên quan gì đến quyền nhân thân nên việc ủy quyền sẽ không làm ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án, đương sự vẫn thực hiện các quyền tự quyết định, tự định đoạt liên quan đến quyền nhân thân và cá nhân chỉ ủy quyền để giải quyết vấn đề chia tài sản chung, không vi phạm các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự.

          Thêm nữa, nếu đương sự không yêu cầu chia tài sản trong cùng một vụ án ly hôn mà sau đó khởi kiện bằng vụ án khác thì một trong các bên vẫn được ủy quyền cho người khác làm đại diện. Thực tiễn, chưa có trường hợp nào Tòa án từ chối việc ủy quyền của đương sự là một bên vợ hoặc chồng trong vụ án dân sự về chia tài sản chung sau ly hôn. Thế nên, việc ủy quyền liên quan đến tranh chấp tài sản trong cùng một vụ án ly hôn là phù hợp với các quy định pháp luật.

          Nếu đương sự ủy quyền tham gia vấn đề tranh chấp tài sản trong vụ án ly hôn mà đương sự vắng mặt tại Tòa án thì giải quyết thế nào? Trường hợp này, bên ủy quyền phải có trình bày, ý kiến hoặc yêu cầu bằng văn bản đối với việc xin ly hôn và quyết định những vấn đề liên quan đến quyền nhân thân không gắn liền với tài sản và sau đó có yêu cầu xin vắng mặt thì Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết và xét xử vắng mặt họ. Luật sư chỉ đại diện giải quyết các tranh chấp về tài sản, không định đoạt thay các nội dung liên quan đến quyền nhân thân của đương sự (khách hàng). Ngoài đại diện ủy quyền, trong trường hợp này Luật sư còn tham gia tố tụng với tư cách là Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, được tranh luận, trình bày quan điểm bảo vệ cho đương sự  trong quan hệ nhân thân của khách hàng, về vấn đề tranh chấp quyền nuôi con, đưa ra các ý kiến, chứng cứ chứng minh yêu cầu ly hôn của khách hàng mình là có căn cứ, quyền nuôi con của họ là hợp pháp và chính đáng. Đương sự là nguyên đơn trong vụ án nhưng vắng mặt, không có trình bày hoặc yêu cầu xét xử vắng mặt mà Tòa án đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án ra quyết định thì đình chỉ vụ án (Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

          Vai trò của Luật sư trong vụ án ly hôn

          Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là Người đại diện hoặc là Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 22 Luật Luật sư).

          Tại Quy tắc 5 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam chỉ rõ: “Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”.

          Trong vụ án ly hôn, Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự khi có yêu cầu, tranh chấp về nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, về tài sản và nợ chung. Đối với các quyền về nhân thân trong vụ án ly hôn, đương sự phải trực tiếp thực hiện, không được đại diện ủy quyền.

          Luật sư có vai trò, trách nhiệm sử dụng kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp, các kỹ năng phân tích, chỉ rõ phạm vi, nội dung các mối quan hệ luật pháp cần giải quyết, chỉ ra thuận lợi, khó khăn để khách hàng quyết định những yêu cầu sẽ đề nghị Tòa án giải quyết. Trong vụ án ly hôn, Tòa án thường giải quyết những mối quan hệ chính gồm: quan hệ vợ chồng, quan hệ cha, mẹ với con và các quan hệ về tài sản chung của vợ chồng, tài sản với bên thứ ba có liên quan, công nợ liên quan vợ chồng… Vai trò của Luật sư được thể hiện rất rõ trong từng vấn đề cụ thể, gồm:

          Thứ nhất, về thủ tục tố tụng: Luật sư không chỉ tư vấn pháp luật, phân tích vấn đề cho khách hàng mà còn thực hiện hỗ trợ soạn thảo đơn từ, hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ cần thiết đảm bảo đầy đủ bộ hồ sơ khởi kiện tại Tòa án theo đúng thủ tục luật định.

          Thứ hai, về quan hệ tài sản: Luật sư định hướng, tư vấn cho khách hàng về việc phân chia, cách chia, tỷ lệ được chia tài sản chung sau khi ly hôn. Pháp luật quy định, sau khi ly hôn các tài sản riêng (tạo lập riêng, được tặng cho, thừa kế riêng…) là thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng; các tài sản chung tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung sẽ được phân chia. Tuy nhiên, việc phân biệt thế nào là tài sản chung, tài sản riêng có dễ dàng? Ngoài ra, việc phân chia tài sản chung ngoài nguyên tắc chia đôi thì còn dựa vào nhiều yếu tố khác như: Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản; hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng hoặc nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho mẹ và con (Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014).

          Thứ ba, về quyền nuôi con: Luật sư tư vấn, hướng dẫn khách hàng tìm kiếm, thu thập tài liệu, chứng cứ về thu nhập thực tế, điều kiện về chỗ ở, môi trường sống, giáo dục con cái… các căn cứ chứng minh và khẳng định khả năng nuôi dưỡng con cái của mình là tốt hơn đối phương.

          Nhìn chung, Luật sư có vai trò quan trọng và cần thiết trong vụ án ly hôn. Luật sư với tư cách là Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng sẽ là “sự lựa chọn thông minh”“đắc lực” của đương sự trong vụ án ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, chia tài sản chung sau ly hôn. Luật sư sẽ sử dụng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề để bảo vệ quyền lợi khách hàng một cách hiệu quả nhất, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

            Luật sư Bùi Trọng Thi – Công ty Luật Dân Ý

            Tài liệu tham khảo:

          –  “Ủy quyền trong vụ án hôn nhân, được hay không?” – Ngọc Oanh (VKSND thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) – Tạp chí Tòa án nhân dân ngày 24/10/2021.

          – “Vai trò của Luật sư tham gia giải quyết trong vụ án ly hôn” – Công ty Luật Apolo Lawyers.

          – Các văn bản pháp luật có liên quan.

Bài Viết Khác