KHI NÀO LẬP VI BẰNG, KHI NÀO CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC HỢP ĐỒNG?

Từ khi giao kết đến khi thực hiện hợp đồng có các bước sau:
1. Đề nghị giao kết hợp đồng: là việc một bên thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của mình đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng.
Ví dụ: ông A muốn bán căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình và gởi lời đề nghị trực tiếp đến ông B.
2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.
Ví dụ: ông B đồng ý mua căn nhà thuộc quyền sở hữu của ông A với những điều kiện do ông A đề nghị.
3. Ký kết hợp đồng: các bên thống nhất ký vào hợp đồng.
Ví dụ: ông A và ông B thống nhất đến Văn phòng công chứng C để ký kết hợp đồng chuyển nhượng căn nhà nêu trên.
4. Thực hiện hợp đồng: các bên thực hiện nghĩa vụ như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Ví dụ: ông A thực hiện việc giao nhà, giấy tờ nhà… Ông B thực hiện việc giao tiền…
Trong các bước trên, công chứng và chứng thực chỉ tham gia ở bước 3 (Ký kết hợp đồng). Các bước còn lại sẽ do các bên tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, để có chứng cứ bảo vệ quyền lợi của mình trong các bước này (đề nghị giao kết hợp đồng, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng), cá nhân, tổ chức có quyền đề nghị Thừa phát lại lập vi bằng.
* Trong lĩnh vực này, Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các yêu cầu sau:
– Yêu cầu lập vi bằng về hành vi đề nghị giao kết hợp đồng;
– Yêu cầu lập vi bằng các thỏa thuận về đề nghị giao kết hợp đồng;
– Yêu cầu lập vi bằng về hành vi chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng;
– Yêu cầu lập vi bằng về hành vi thực hiện hợp đồng như việc giao tiền, giao tài sản;
– Yêu cầu lập vi bằng về việc thực hiện không đúng hợp đồng;
– Yêu cầu lập vi bằng về việc không thực hiện hợp đồng;
– Yêu cầu lập vi bằng về việc thông báo các văn bản, giấy tờ liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng…
Luật sư, Thạc sỹ Lê Hồng Duật

Bài Viết Khác